THÁI LAN
Vương quốc Thái Lan , thường gọi là Thái Lan, là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía Bắc giáp Lào và Myanma, phía Đông giáp Lào và Campuchia, phía Nam giáp vịnh Thái Lan và Malaysia, phía Tây giáp Myanma và biển Andaman. Lãnh hải Thái Lan phía Đông Nam giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía Tây Nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ ở biển Andaman.
Thái Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến đứng đầu là vua Bhumibol Adulyadej lên ngôi từ năm 1946, vị nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất trên thế giới và vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Thái Lan.
Vua Thái Lan theo nghi thức là nguyên thủ, tổng tư lệnh quân đội và nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo của đất nước. Thủ đô Băng Cốc là thành phố lớn nhất và là trung tâm chính trị, thương mại, công nghiệp và văn hóa.
Thái Lan có diện tích 513.000 km2 lớn thứ 50 trên thế giới và dân số khoảng 64 triệu người đông thứ 21 trên thế giới.
Khoảng 75% dân số là dân tộc Thái, 14% là người gốc Hoa và 3% là người Malay, phần còn lại là những nhóm dân tộc thiểu số như Môn, Khmer và các bộ tộc khác. Có khoảng 2,3 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp ở Thái Lan.
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thái.
Phật giáo Thượng tọa bộ được coi là quốc giáo ở Thái Lan với tỉ lệ người theo đạo là 94,7%, tỉ lệ thuộc loại cao nhất thế giới. Người Hồi giáo chiếm 4,6% và các tôn giáo khác chiếm 0,7% dân số.
Văn hóa và truyền thống Thái Lan chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Trung Hoa và cùng với Myanma, Lào, Campuchia chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ ở mức độ ít hơn.
Từ năm 1985 đến 1995, kinh tế Thái Lan phát triển nhanh và trở thành nước công nghiệp mới trong đó du lịch có những điểm đến nổi tiếng như Pattaya, Băng Cốc và Phuket và xuất khẩu đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.
Tên gọi
Thái Lan cũng từng được gọi là Xiêm, đây là tên gọi chính thức của nước này đến ngày 11 tháng 5 năm 1949. Từ "Thái" trong tiếng Thái có nghĩa là "tự do". "Thái" cũng là tên của người Thái – hiện là dân tộc thiểu số có số dân đáng kể ở Trung Quốc, vẫn lấy tên là "Xiêm".
Trong tiếng Thái, tên của Thái Lan là Racha Anachakra Thai. Hai chữ "Racha" và "Anachakra" thì có gốc từ tiếng Phạn: Racha có nghĩa là "quốc vương", Anachakra có nghĩa là "lãnh thổ". Trong khi đó, "Thai" là một chữ tiếng Thái có nghĩa là "tự do". Ý của cụm từ Racha Anachakra Thai là "Vương quốc của người tự do".
Lịch sử
Nhiều nền văn hóa khác nhau đã có mặt tại đây từ thời Văn hóa Baan Chiang. Nhưng do vị trí địa lý, văn hóa Thái Lan luôn chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ và Trung Quốc cũng như từ những nước láng giềng Đông Nam Á khác. Theo sử sách Thái Lan, người Thái xuất xứ từ vùng núi Altai, đông bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ 4500 năm trước, sau đó di cư dần xuống vùng đất hiện nay là Thái Lan. Vào năm 1238, người Thái thành lập một vương quốc Phật giáo tên Sukhothai (ở miền Bắc Thái Lan), dần thay thế vai trò của Đế chế Khmer đang tàn lụi (Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15).
Năm 1283 người Thái có chữ viết. Sau đó người Thái mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, và năm 1350 chuyển kinh đô xuống Ayuthaya (phía bắc Bangkok 70 km). Năm 1431, quân Xiêm cướp phá Angkor. Nhiều bảo vật và trang phục của văn hóa Hindu đã được họ đem về Ayutthaya, lễ nghi và cách ăn mặc của người Khmer được dung nhập vào thượng tầng văn hóa Xiêm.
Trong khoảng 400 năm, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, giữa người Thái và người Miến Điện láng giềng luôn xảy ra các cuộc chiến tranh và kinh đô Ayuthaya bị huỷ diệt ở thế kỷ 18.
Năm 1767, một tướng người Thái gốc Hoa, Taksin, đứng lên chống quân Miến Điện giành lại độc lập và dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phraya, đối diện với Bangkok. Vua Rama I (1782) lên ngôi và chọn Bangkok (hay Thành phố của các thiên thần) làm Kinh đô.
Trước năm 1932 Thái Lan theo chế độ Quân chủ chuyên chế. Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1932 do một nhóm sĩ quan trẻ lãnh đạo, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến. Ngày 05 tháng 12 năm 1932 vua Prachadhipok (Rama VII) đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên của Thái Lan. Hơn 60 năm qua Thái Lan đã thay đổi 16 hiến pháp (nhiều lần đảo chính), nhưng Hiến pháp 1932 vẫn được coi là cơ sở. Cuối cùng, vào thập niên 1980, Thái Lan chuyển hướng sang con đường dân chủ. Năm 1997, Thái Lan trở thành tâm điểm của Khủng hoảng tài chính Đông Á. Đồng baht nhanh chóng sụt giá từ mức 25 baht đổi 1 đô la xuống mức 56 baht đổi 1 đô la. Sau đó, đồng baht dần lấy lại được sức nặng của mình, đến năm 2007, tỷ giá giữa đồng baht và đô la là 33:1.
Lịch được sử dụng chính thức tại Thái Lan là Phật lịch, một loại lịch của người phương Đông, sớm hơn Tây lịch 543 năm. Năm 2007 thì là năm thứ 2550 Phật lịch tại Thái Lan.
Chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo trong lịch sử
Trong lịch sử lập quốc của mình, Thái Lan từng là một nước lớn theo chủ nghĩa Đại Thái, lấn át các quốc gia láng giềng khi có thể, nhưng Thái Lan luôn có chính sách ngoại giao khéo léo đối với các cường quốc Tây Âu và Nhật Bản trong thời cận và hiện đại. Thái Lan luôn biết tận dụng vị thế địa lí để làm trái độn giữa các cường quốc. Nhờ thế Thái Lan đã tránh được các cuộc xâm lược và được hưởng thời gian độc lập, hòa bình tương đối lâu dài trong thời kỳ đế quốc thực dân xâm chiếm thuộc địa và trong Thế chiến thứ hai.
Thái Lan đã kí hiệp ước hữu nghị và thương mại với Anh năm 1826 và với Mỹ năm 1833, Hiệp ước trao đổi biên giới các tỉnh phía Bắc Malaysia hiện tại năm 1909, nhờ đó thoát khỏi ách thuộc địa của các nước đế quốc lúc bấy giờ đang tranh giành nhau vùng Đông Nam Á. Thái Lan cũng đã kí hiệp định phân định biên giới sông Mekong với Pháp và tránh né xung đột với thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19.
Trong Thế chiến thứ hai, Thái Lan là đồng minh lỏng lẻo của Nhật Bản, cho Nhật đi qua đất Thái tiến đánh Malaysia, Miến Điện. Lợi dụng thế suy yếu của nước Pháp (bị Đức quốc xã xâm chiếm) và sức mạnh hải quân khá hiện đại Thái Lan đã gây chiến với Pháp để tranh giành lãnh thổ Đông Dương. Sau khi bị hải quân Pháp bất ngờ tiến công đánh bại cùng với sự suy yếu của quân đội phát xít Nhật vào cuối thế chiến, Thái Lan làm đảo chính vào ngày ngày 1 tháng 8 năm 1944 và ngay lập tức chuyển nước Thái từ một đồng minh lỏng lẻo của Nhật trong một đêm trở thành đồng minh của Mỹ và tiếp tục giữ được độc lập và hòa bình.
Sau thế chiến, Thái Lan bị đối xử như một quốc gia đối địch bởi Anh và Pháp, mặc dù Mỹ đã can thiệp để giảm nhẹ các điều khoản trừng phạt Thái Lan. Thái Lan không bị lực lượng Đồng Minh chiếm đóng, nhưng phải trả lại các lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng trong thời gian chiến tranh cho Anh và Pháp. Thời kỳ hậu chiến cũng là thời kỳ Thái Lan thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, như để bảo trợ Thái Lan khỏi nguy cơ chủ nghĩa cộng sản lan truyền từ các quốc gia lân bang.
Lực lượng du kích cộng sản ở Thái Lan hoạt động tích cực trong khoảng thập niên 1960 cho tới năm 1987 nhưng chưa bao giờ là một mối de dọa nghiêm trọng cho chính quyền, tại thời kỳ đỉnh điểm họ đã có đến 12 ngàn du kích quân trong hàng ngũ.
Gần đây, Thái Lan trở thành một thành viên tích cực trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là sau khi chế độ dân chủ được tái lập sau năm 1992. Chính sách ngoại giao của Thái là "ngoại giao cây sậy", sẵn sàng "cúi đầu, thần phục" trước kẻ khác đề đem lợi về cho mình.
Kinh tế
Thái Lan vốn là một nước nông nghiệp truyền thống. Bắt đầu từ năm 1960 Thái Lan thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ nhất và đến nay là kế hoạch thứ 9. Trong thập niên 1970 Thái Lan thực hiện chính sách "hướng xuất khẩu", ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Âu Châu là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và vai trò của nông nghiệp giảm dần.
Hiện nay, Thái Lan là một nước công nghiệp mới. Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng thuộc loại cao nhất thế giới từ 1985 đến 1995, với tốc độ tăng trưởng trung bình 9% mỗi năm, sức ép lên việc duy trì đồng baht tại Thái Lan tăng lên, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, lan rộng ra toàn khu vực Đông Á, bắt buộc chính phủ phải thả nổi tiền tệ. Sau sự ổn định lâu dài ở mức giá 25 baht đổi 1 đô la Mỹ, đồng baht chạm tới mức thấp nhất với 56 baht đổi 1 đô la vào tháng 1 năm 1998, các hợp đồng kinh tế được ký kết bằng 10,2% năm trước.
Năm 1998, Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu phục hồi với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 4,2%, năm 2000 là 4,4%, phần lớn từ những mặt hàng xuất khẩu chính (tăng 20%).
Thái Lan xuất khẩu nhiều hơn 105 tỷ đô la hàng năm. Các sản phẩm xuất khẩu chính bao gồm gạo, hàng dệt may, giầy dép, hải sản, cao su, nữ trang, ô tô, máy tính và thiết bị điện. Thái Lan đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, mỗi năm xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo tinh chế. Lúa là loại cây lương thực chính được trồng tại Thái Lan, với 55% đất đai trồng trọt được được sử dụng để trồng lúa. Đất có thể canh tác được của Thái Lan cũng chiếm tỷ lệ lớn, 27,25% của toàn bộ khu vực sông Mekong.
Các ngành công nghiệp chủ yếu gồm có điện dân dụng, linh kiện điện tử, linh kiện máy tính và ô tô, trong đó, cũng có đóng góp đáng kể từ du lịch (khoảng 5% GDP Thái Lan). Những người nước ngoài ở lại đầu tư lâu dài cũng góp phần đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân.
Các tài nguyên thiên nhiên chủ yếu của Thái Lan là thiếc, cao su, ga tự nhiên, vonfram, tantalium, gỗ, chì, cá, thạch cao, than non, fluorite và đất trồng.
Thái Lan sử dụng hệ đo lường chuẩn quốc tế, nhưng các hệ đo truyền thống của Anh (feet, inches) vẫn còn được sử dụng, đặc biệt là trong nông nghiệp và vật liệu xây dựng.
Địa lí
Với diện tích 514.000 km² (tương đương diện tích Việt Nam cộng với Lào), Thái Lan xếp thứ 49 trên thế giới về diện tích, rộng thứ ba tại Đông Nam Á, sau Indonesia và Myanma.
Thái Lan là mái nhà chung của một số vùng địa lý khác nhau, tương ứng với các vùng kinh tế. Phía Bắc có địa hình đồi núi, với điểm cao nhất (2.576 m) là Doi Inthanon. Phía Đông Bắc là Cao nguyên Khorat có biên giới tự nhiên về phía đông là sông Mekong đây là vùng trồng nhiều sắn nhất của Thái Lan do khí hậu và đất đai phù hợp với cây sắn. Trung tâm của đất nước chủ yếu là vùng đồng bằng sông Chao Phraya đổ ra vịnh Thái Lan. Miền Nam là eo đất Kra mở rộng dần về phía bán đảo Mã Lai.
Khí hậu
Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết nóng, mưa nhiều. Từ giữa tháng 5 cho tới tháng 9, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Từ tháng 10 đến giữa tháng 3 chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc khô, lạnh. Eo đất phía Nam luôn luôn nóng, ẩm.
Hệ động thực vật
Thái Lan là quốc gia có nhiều loài động vật quí hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voi và bò tót khổng lồ. Rất nhiều loài đang đứng trước hiểm họa diệt chủng do nạn săn trộm và phá rừng.
Du lịch Thái Lan
Ngành du lịch là một ngành chính của nền kinh tế Vương quốc Thái Lan, đóng góp khoảng 6,7% GDP quốc gia này trong năm 2007. Vương quốc Thái Lan ở vị trí trung tâm Đông Nam Á, là cửa ngõ tự nhiên đi vào Đông Dương, Miến Điện và miền Nam Trung Hoa, được chia thành bốn vùng tự nhiên theo hình thể và địa l‎ý: rừng núi phía Bắc, ruộng lúa bao la đồng bằng miền Trung, cao nguyên đất nông trại nửa khô hạn miền Đông bắc, và các đảo vùng nhiệt đới nằm dọc bờ biển và bán đảo ở miền Nam. Thái Lan bao gồm 76 tỉnh (changwat) được phân thành các huyện (amphoe), phường (tambon) và xã (muban).
Tổng quan
Ngành du lịch Thái Lan cất cánh khi những người lính Mỹ bắt đầu đến đầy thập niên 1960 để Rest and Recuperation trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ này cũng trùng với việc gia tăng mạnh mẽ ngành du lịch quốc tế nhờ việc tăng mức sống.
Thái Lan là một trong các quốc gia ở châu Á đã tận dụng được cơ hội này. Số lượng du khách đã tăng từ 336.000 lượt khách quốc tế và 54.000 năm 1967 lên con số 14 triệu khách quốc tế đến Thái Lan năm 2007.
Năm 2006, Thái Lan là quốc gia xếp thứ 18 về số lượng du khách trong bảng xếp hạng World Tourism rankings với 13,9 triệu lượt khách. Pháp, một quốc gia có diện tích và dân số tương tự Thái Lan, xếp đầu bảng với hơn 79 triệu lượt du khách.
Du lịch nội địa cũng tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ qua. Doanh số từ du lịch nội địa đã tăng từ 187.898 triệu baht năm 1998 lên 380.417 triệu baht (khoảng 7,8 tỷ Euro) năm 2007.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nước ngoài, chính phủ Thái Lan đã thiết lập bộ phận cảnh sát du lịch riêng ở các khu vực du lịch lớn kèm theo số điện thoại khẩn cấp.
Du lịch tình dục cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách. Mặc dù về mặt chính thức là bất hợp pháp, mại dâm ở Thái Lan được chính quyền kiểm soát và theo dõi để tránh các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục và tránh thái quá. Người ta tin rằng mại dâm hoạt động cho người nước ngoài chiếm 20% tổng số lượng các vụ mại dâm ở Thái Lan, tập trung chủ yếu ở các khu đèn đỏ như Pattaya, Patpong và bãi biển Patong.
Thái Lan đã chịu cạnh tranh kể từ khi Lào, Campuchia và Việt Nam mở cửa cho du lịch quốc tế vào thập niên 1980 và 1990. Các điểm đến như Angkor Wat, Luang Prabang và Vịnh Hạ Long hiện đang cạnh tranh với vị trí độc quyền trước đây của Thái Lan. Để đối phó với việc cạnh tranh này, Thái Lan đang tích cực hướng tới thị trường du khách chơi gôn, du lịch kết hợp chữa bệnh. Khoảng 2 triệu du khách nước ngoài đã thăm Thái Lan với mục đích chữa bệnh năm 2009, tăng hơn 3 lần so với con số tương tự năm 2002.